
Tác động của chính sách thuế quan
Kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2025 liên tục đón nhận nhiều biến động lớn. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh và duy trì trên 4,5% trong thời gian dài; đồng USD bước vào chu kỳ suy yếu. Trong khi đó, chính sách thuế quan mở rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tạo ra những hiệu ứng lan tỏa và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn các chính sách trọng yếu được triển khai quyết liệt, nổi bật là Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về đề án sáp nhập tỉnh, thành và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực không ngừng biến động, việc xác định đúng xu hướng và xây dựng chiến lược đầu tư hiệu quả sẽ là yếu tố sống còn cho sự thành công của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2025 Mid-Year Update diễn ra ngày 04/06/2025, các chuyên gia đã cùng thảo luận về chính sách thuế mới của Mỹ có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng như dòng vốn FDI và chiến lược sản xuất toàn cầu. Đồng thời, những cải cách thể chế ở trong nước cũng đang tạo tinh thần hứng khởi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế, Trưởng Khoa kinh tế học, Trường Đại học kinh tế Quốc dân: Chính sách thuế quan của Mỹ có xu hướng làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các tổ chức quốc tế đều hạ thấp triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam không thể nằm ngoài xu hướng này vì độ mở kinh tế khá lớn.
Có hai kênh chịu tác động chủ yếu. Đầu tiên là thương mại - đầu tư. Mô hình kinh tế Việt Nam là tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Muốn có xuất khẩu thì phải thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo. Thuế quan tạo ra sự bất định khiến những ngành nghề chịu thuế suất cao ảnh hưởng trực tiếp.
Kênh thứ hai liên quan đến thị trường tài chính. Người tiêu dùng Mỹ có thể chịu giá cả tăng cao trong vòng 1 - 2 tháng tới dẫn tới áp lực lạm phát và lãi suất neo cao. Điều này khiến các thị trường tài chính như Việt Nam sẽ chịu tác động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam muốn duy trì ổn định tỷ giá.
Chính sách thuế quan tác động tới tất cả các quốc gia có mối quan hệ thương mại với Mỹ mà Việt Nam đứng thứ ba thế giới về thặng dư thương mại với Mỹ. Các tác động về chính sách thuế của Mỹ sẽ có tác động lớn đến xuất khẩu và dòng vốn FDI tại Việt Nam. Vì vậy, để thích ứng với tình hình biến động bên ngoài không thuận lợi mà vẫn quyết tâm đạt được kế hoạch tăng trưởng trên 8% cho năm 2025 là GDP, theo PGS. TS. Phạm Thế Anh, mục tiêu này là thách thức nhưng Chính phủ vẫn có những giải pháp để cải thiện. Theo ông, động lực đối với tăng trưởng trong nước hiện nay không có gì khác ngoài đầu tư công và các doanh nghiệp, ngành nghề trong nước phải bám theo đó.
Muốn đầu tư công của Chính phủ có tốc độ lan toả, tác động thúc đẩy, kéo tư nhân cùng tăng trưởng thì phải tập trung vào những dự án trọng điểm, cơ sở hạ tầng có sự lan toả cao. Đặc biệt, phải kéo được tỷ lệ nội địa hoá, tức là kéo được doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án đầu tư công. Nếu để doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nguyên vật liệu... cho các dự án đầu tư công thì sức lan toả của các dự án sẽ rất kém.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tỷ lệ nội địa hoá và xuất xứ hàng hoá. Nếu Chính phủ thực sự muốn kéo khu vực tư nhân tham gia sâu, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng thì cần có chính sách, ưu đãi về thuế liên quan đến tỷ lệ nội địa hoá trong các sản phẩm.
Các diễn giả tham dự phiên thảo luận tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2025 Mid-Year Update
Cải cách thể chế tạo động lực tăng trưởng mới
Từ đầu năm 2025, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách đột phá, quyết liệt với quyết tâm cải cách nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đưa Việt Nam thành nền kinh tế lớn thứ 30 thế giới. Một trong những chính sách đó là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân với những mục tiêu rất cụ thể và cũng rất tham vọng.
Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội khóa XV: sau Nghị quyết 68, một số chính sách được triển khai khá quyết liệt. Nhưng để chuyển thành hành lang pháp lý thực thi, cần quá trình thể chế hoá. Các doanh nghiệp hiện tại đã có cơ hội ở phía trước. Tuy nhiên về dài hạn, kể từ sau giai đoạn COVID-19, các doanh nghiệp cho rằng “chẳng có gì chắc chắn được quá 6 tháng”.
Khi Quốc hội thảo luận về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng chỉ đưa ra kịch bản ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ có thay đổi nhưng không ai lường trước được vấn đề thuế đối ứng. Những chính sách về thuế của Chính quyền Trump theo ông Hiếu là rất khó phán đoán.
Về mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã đặt mục tiêu giải ngân gần 100%. Cải cách thể chế về giải ngân đầu tư công cũng chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay.
Về phát huy nội lực, một số giải pháp trong Nghị quyết 198, Chính phủ sẽ có nghị định hướng dẫn để triển khai ngay một số cơ chế như đặt hàng, đấu thầu hạn chế hay chỉ định với các dự án quan trọng.
“Một nguồn lực rất lớn khác không phải từ thu hút dự án đầu tư mới nhưng theo thống kê của chúng tôi hiện có hơn 2.000 dự án thu hút đầu tư dang dở. Chúng tôi kỳ vọng nếu tháo gỡ được thì sẽ là nguồn lực rất lớn để góp phần thêm rất nhiều vào đầu tư. Có những dự án chưa xuống tiền, có dự án xuống tiền một phần, có dự án xong thủ tục ban đầu”, ông Hiếu chia sẻ.
Theo tinh thần Nghị quyết 68, vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tài sản số…. Hay các vấn đề ưu đãi thuế cho doanh nghiệp mới, doanh nghiệp công nghệ, quỹ công nghệ, khuyến khích đầu tư phát triển được kỳ vọng rất nhiều sẽ thay đổi kết cấu kinh tế Việt Nam. Để quá trình luật hoá này diễn ra vừa nhanh vừa hiệu quả, nhanh chóng đi vào thực tiễn, thực sự mang lại giá trị cho doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện tại đang thay đổi rất nhanh.
Doanh nghiệp tư nhân được giao vai trò động lực tăng trưởng mới theo Nghị quyết 68, dưới góc nhìn doanh nghiệp tư nhân và ngân hàng trong vai trò “đồng hành kiến tạo’ với các doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, Ngân hàng có nhiều cái may khi được làm việc cùng nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế các doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trước mắt, thậm chí vấn đề xin cấp phép do sáp nhập các chính quyền địa phương. Dưới góc độ ngân hàng, các ngân hàng thương mại phải có nhiều kịch bản khác nhau, bởi vì khó có thể đoán định được tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Hải: “chúng tôi xác định trong nguy có cơ, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp thực tế muốn làm tốt khi họ thấy đây là cơ hội và muốn làm nghiêm túc, khi đó ngân hàng sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp này”.
Bên cạnh những dự án lớn, những cơ hội dành cho doanh nghiệp tư nhân lớn, cần phải làm sao để các doanh nghiệp SME cũng có thể tham gia cơ hội này. “Ngân hàng cũng cần phải thay đổi quan điểm, phải hiểu dòng tiền khách hàng, rủi ro của doanh nghiệp cho vay dựa trên kế hoạch kinh doanh hơn là tài sản đảm bảo”, ông Hải nhấn mạnh./.
Phòng Truyền thông và công nghệ, SRTC